Tình yêu là hiện tượng tinh thần còn lòng tham là ham muốn thể xác.
Cái tôi thuộc về tâm lý còn tình yêu thuộc về tinh thần.
Tình yêu dưới dạng thuần khiết nhất là sự chia sẻ niềm vui. Nó không đòi hỏi đền đáp, không kỳ vọng. Chính vì lẽ đó, làm sao có thể tổn thương.
YÊU – OSHO (BEING IN LOVE)
YÊU LÀ GÌ? CÁCH TRẢI NGHIỆM TÌNH YÊU
Osho ví tình yêu giống như thức ăn. Nếu bạn ăn uống hàng ngày, bạn sẽ chẳng hỏi thức ăn là gì. Nếu bạn sống trong tình yêu hàng ngày, bạn sẽ không hỏi tình yêu là gì. Nhưng rất nhiều người vẫn đang tự hỏi. Vậy có phải tâm hồn bạn đã bị bỏ đói quá lâu.
Trên đời này có những điều không thể định nghĩa. Như sự sống, cái chết, thượng đế, thiền định và cả yêu. Chỉ có tự mình trải nghiệm và cảm nhận.
TÌNH YÊU CẦN MÔI TRƯỜNG YÊU THƯƠNG ĐỂ NẢY NỞ
Tình yêu giống như một bông hoa mỏng manh, nó cần được chăm bón mới có thể nở rộ. Nhưng có những người mất đi khả năng yêu thương vì họ sống trong điều kiện không có tình yêu.
Khi còn bé những bạn sẽ hay nghe những lời đe doạ kiểu. Không ăn sẽ bị đánh, không học bài sẽ bị đuổi ra khỏi nhà… Lâu dần bạn sẽ chuyển từ tổn thương sang chán ghét cha mẹ. Vì bạn phải trở nên xứng đáng, phải đạt được kỳ vọng của họ bạn mới được yêu thương. Đó là tình yêu có điều kiện.
Khi đó bạn yếu đuối, không có khả năng sinh tồn nên phải đầu hàng. Lâu dần khả năng yêu thương của bạn bị huỷ diệt. Khi không hài lòng bạn vẫn phải mỉm cười để có sữa uống. Đây chính là bài học vỡ lòng về mưu kế.
Tình yêu không thể định nghĩa, nhưng nó có thể trải nghiệm. Thông qua việc trải nghiệm bạn sẽ biết tình yêu là gì. Và để làm điều đó bạn có thể thực hành ba bước sau:
BƯỚC ĐẦU TIÊN: XOÁ BỎ TIẾNG NÓI CỦA CHA MẸ
BÊN TRONG BẠN
Ngôn ngữ của các nước trên thế giới hay được gọi là tiếng mẹ đẻ. Vì nơi nào người mẹ xuất hiện người cha thường không lên tiếng. Thời thơ ấu thì cha chỉ là vị khách xoa đầu bạn mỗi sáng khi đi làm. Mỗi chiều sẽ bế bạn một chút rồi lại làm việc và nghỉ ngơi. Mẹ là người tiếp xúc hàng ngày. Vì vậy người mẹ ảnh hưởng mạnh đến con trẻ trong cả quá trình mang thai và trưởng thành rồi đến cha. Dù khi bé có ghét cha mẹ bao nhiêu. Khi trưởng thành bạn cũng sẽ mô tả lại hành vi cha mẹ.
Phụ nữ sẽ chì chiết, cằn nhằn chồng mình. Như cách mẹ cô ấy vẫn làm với cha. Các ông chồng sẽ cư xử như cha của họ vẫn hay làm với mẹ.
Khi nhận ra những điều này bạn phải tập từ bỏ những dữ liệu của cha mẹ trong tâm trí. Bạn sẽ có lòng trắc ẩn cho họ, vì nhận ra họ cũng chịu đựng nỗi đau như bạn.
BƯỚC THỨ HAI: ĐỪNG BAO GIỜ TÌM KIẾM
MỘT NGƯỜI HOÀN HẢO
Hãy yêu như là một chức năng tự nhiên, như việc hít thở vậy. Nếu bạn mong muốn tìm kiếm một người yêu hoàn hảo. Điều đó có nghĩa, nếu không có người hoàn hảo, bạn sẽ chẳng bao giờ được yêu thương.
Một người lữ khách mất nước trong Sa Mạc sẽ chẳng quan tâm thứ anh ta tìm thấy là nước sạch hay bẩn. Một người sống ở Bắc Kinh sẽ chẳng quan tâm không khí anh ta hít vào là sạch hay ô nhiễm. Bạn cần phải sống.
Khi một người được yêu, họ bắt đầu đòi hỏi. Cho dù là nam hay nữ, họ sẽ luôn đòi hỏi đối phương phải thật hoàn hảo. Để giữ được tình yêu của bạn đối phương phải từ bỏ hết những mặt hạn chế của mình. Họ sẽ phải trở thành siêu nhân hoặc kẻ lừa dối. Mà rõ ràng làm siêu nhân thì không dễ dàng gì.
Nếu có ai đó yêu bạn, bạn hãy cứ biết ơn thôi. Đừng nhân danh tình yêu để đòi hỏi điều gì cả. Bạn chỉ cần sống và đón nhận tình yêu. Nếu được yêu hãy để trái tim của bạn rung lên vì điều kỳ diệu đó. Người không thể rung động vì những điều nhỏ nhặt thì sẽ dễ huỷ hoại khả năng yêu thương.
Tình yêu cần một bầu không khí biết ơn, không đòi hỏi, không kỳ vọng. Khi chồng bạn kiếm tiền để chăm lo cho gia đình. Đừng coi đó là chuyện đương nhiên, hãy cảm ơn anh ấy. Khi vợ bạn nấu cơm, xin đừng coi đó là chuyện đương nhiên. Dù không thể nói lời cảm ơn. Xin hãy dùng ánh mắt yêu thương để thể hiện với cô ấy.
Con cái của các giống loài khác học được cách tự tồn tại từ khi sinh ra. Nhưng ở con người là nhiều năm. Khi bạn sinh ra, bạn yếu đuối và cần được chăm sóc. Nhưng tâm trí non nớt của bạn lại lý giải như thế bạn là trung tâm của vũ trụ. Chỉ cần bạn khóc cha sẽ chạy lại ôm, chỉ cần bạn ra dấu mẹ sẽ cho bú….
Những năm đầu hình thành cái tôi là cần thiết. Khi được yêu thương bạn sẽ hiểu rằng bạn là vị khách được mời đến, không phải sự cố. Sự ấm áp sẽ giúp bạn phát triển mạnh mẽ, vững vàng. Bảo vệ bạn như một lớp vỏ bao quanh hạt giống. Nhưng lớp vỏ cần tan biến vào đất để hạt giống có thể nảy mầm. Nếu không đây là giam cầm. Cái tôi cũng giống như lớp vỏ nó ngăn bạn cho đi. Nó ép người khác dâng nộp hoặc từ bỏ. Đó là sự huỷ diệt và căm ghét, không phải tình yêu.
Chính vì cái tôi, khi đi học bạn muốn giỏi nhất. Khi đi làm bạn muốn nổi trội nhất,… nhưng xung quanh ai cũng nghĩ như bạn. Và khi yêu đương bạn luôn có những kỳ vọng cho người yêu của mình. Bạn chỉ muốn nhận mà không muốn cho. Bạn nhân danh tình yêu và nói rằng điều đó tốt cho đối phương. Nhưng những gì bạn muốn hoàn toàn là vì bạn.
SỰ BÌNH ĐẲNG TRONG TÌNH YÊU
Ngày nay nhiều người nói về nữ quyền, nói về độc lập. Nhưng khi bước vào thế giới tình yêu họ lại không như thế. Nhiều cô gái sẽ ăn mặc xinh đẹp, xịt nước hoa, thể hiện thế mạnh. Sau khi tỏ ra thu hút, cô ấy sẽ chờ đợi người đàn ông chủ động. Điều mặc định là, trong tình yêu đàn ông phải là người khởi xướng. Thậm chí khi được theo đuổi các cô gái còn vờ bỏ chạy.
Điều đó không phải tình yêu, nó là game. Đàn ông là kẻ đi săn, còn phụ nữ là con mồi. Tình yêu cần trong sáng và công bằng. Dù bạn là nam hay nữ, bạn có quyền bày tỏ tình cảm của mình. Không phải để được đồng ý mà để bạn thể hiện tình cảm xúc của bản thân.
QUAN ĐIỂM SAI LẦM VỀ TÌNH YÊU
YÊU LÀ ĐAU KHỔ?
Nhiều người sợ sự đau khổ trong tình yêu, nên lựa chọn không yêu nữa. Nhưng bạn nên hiểu rằng tình yêu không bao giờ khiến cho ai đau khổ cả.
Bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng từ Love trong tiếng Anh có gốc gác không lấy gì làm đẹp đẽ trong tiếng Sanskrit. Nó bắt nguồn từ chữ Lobh – có nghĩa là lòng tham. Từ tình yêu mà chúng ta thường hay sử dụng không phải là tình yêu, mà là lòng ham muốn.
Lòng ham muốn sẽ gây tổn thương. Khi bạn khao khát ai đó, tức là bạn đã xem người ta như một vật thể. Đó chính là sự xúc phạm và bạn không thể nhân danh tình yêu để che đậy.
Chính vì bạn xem người khác như một món hàng. Bạn xem họ như một công cụ để bạn thoả mãn những dục vọng của chính mình. Khi không còn ham muốn bạn sẽ vứt bỏ.
Tình yêu thực sự là thái cực đối lập của lòng ham muốn. Bạn yêu một người vì chính lợi ích của người đó. Tình yêu thực sự không có cái tôi ẩn phía sau. Nhưng sự ham muốn thường ẩn sau những bộ cánh được nguỵ trang đẹp đẽ, lộng lẫy khiến bạn khó lòng nhận ra.
Ví dụ như cha mẹ luôn nói rằng họ không muốn kiểm soát con cái. Họ không bao giờ thừa nhận con cái là tài sản của họ. Họ muốn bạn thông minh, hạnh phúc và khoẻ mạnh… Nhưng đó mới là vấn đề, mọi thứ đều diễn ra theo ý muốn của họ.
SỢ HÃI HAY GHÉT BỎ? TỰ DO HAY CẦM TÙ?
Sợ hãi là nấm mồ, tình yêu là ngôi đền thiêng.
Nhiều người cho rằng ghét bỏ là đối cực của tình yêu. Nhưng sợ hãi mới là đối cực của tình yêu.Nếu người vợ phụ thuộc kinh tế vào chồng. Cô ta sẽ khiến chồng phụ thuộc vào mình ở điều khác. Đó là sự giàn xếp khiến cả hai đều tê liệt.
Ý nghĩ người kia vẫn hạnh phúc nếu không có mình sẽ khiến họ tổn thương. Người ta không quan tâm đến hạnh phúc của đối phương. Người ta chỉ quan tâm làm sao người kia dám hạnh phúc khi không có mình.
Không ai có thể nhân danh tình yêu để tước đoạt tự do. Vì người ta đều chọn hy sinh tình yêu để đổi lấy tự do. Một mối quan hệ sẽ không thể lâu dài nếu bạn không cho người khác quyền tự do mà họ muốn.
Nếu bạn yêu một người vì ham muốn thể xác. Nếu bạn bên một người chỉ để ngủ với người đó. Điều đó không phải là tình yêu. Nhưng nếu hai bạn yêu nhau, không phải chỉ vì hấp dẫn tính dục. Nhưng vào một thời điểm thích hợp cả hai trọn vẹn dành cho nhau tinh thần và thể xác thì đó là một điều tuyệt vời.
Khi những người phương Tây đến phương Đông. Người phương Đông mới phát hiện họ chỉ biết một tư thế làm tình. Trong khi tại Ấn Độ có một cuốn sách có tên Kamasutras với những kiến thức về tình yêu và tình dục tồn tại khoảng năm ngàn năm.
Được biên soạn bởi một Thiền Sư. Ông ấy đã tạo ra 84 tư thế làm tình để đời sống tình dục của các cặp đôi thêm phần thú vị. Nó chỉ có thể viết bởi một người thiền tịnh với sự am hiểu và cái nhìn sáng suốt. Tình dục không phải là chủ đề xấu xa cần né tránh.
Cô đơn là nỗi buồn, là cảm giác không trọn vẹn. Là căn nhà tối tăm đang chờ người đến thắp lên ánh sáng. Cô độc là cảm giác bạn đã hoàn thiện, không cần ai khác. Khi bạn cô đơn, bạn tìm đến người khác như là một nhu cầu. Còn tình yêu thực sự sẽ nảy nở khi cô độc. Bạn tìm cách cho đi điều gì đó.
Khi bạn không thấy tình yêu xảy ra, bạn dễ bị cám dỗ bởi những thứ thấp hơn. Bạn cho rằng sự thông cảm là tình yêu. Nhưng thực tế thấu cảm mới là tình yêu. Vì thông cảm là tôi muốn giúp bạn, nhưng tôi vẫn ở ngoài và chìa tay ra. Tôi không bị ảnh hưởng bởi bạn. Sâu trong lòng tôi còn thích thú vì người khác cho tôi cơ hội cảm thấy hơn người.
Còn thấu cảm là tôi cảm nhận được điều bạn cảm nhận. Tôi đau cùng nỗi đau của bạn, nó chạm đến trái tim tôi, tác động đến tôi. Tôi không còn là người ngoài mà như là một phần trong bản thể của bạn. Nếu bạn không thấu cảm mà chỉ thông cảm thì đó chưa phải là yêu. Nếu bạn không thể tạo ra một không gian đẹp giữa hai người thì có lẽ là hai bạn không giành cho nhau. Tình dục gắn kết thân xác. Thấu cảm gắn kết tinh thần. Và cùng nhau thực hành Thiền là một trong những cách để chúng ta dễ dàng thấu cảm được nhau.