“Đừng sống trong quá khứ, đừng mơ tưởng đến tương lai,
hãy tập trung tâm trí vào khoảnh khắc hiện tại.”
Chánh niệm sẽ giúp bạn đạt hạnh phúc vĩnh cửu? Thực tế có phải vậy không! Chánh niệm không phải là phép màu để bạn vui vẻ mãi mãi. Hay là kỹ năng để bạn đón nhận mọi cảm xúc một cách bình thản. Cùng tôi khám phá sự thật và lý do tại sao nó giúp chúng ta sống một cuộc đời cân bằng hơn.
NHỮNG LẦM TƯỞNG VỀ CHÁNH NIỆM
Nhiều người trong chúng ta khi nghe đến ‘chánh niệm’ sẽ lập tức hình dung ra hình ảnh thiền định sâu sắc, tĩnh lặng. Điều đó có vẻ như quá xa vời với cuộc sống bận rộn. Trong thực tế, cũng có rất nhiều người có những nhận định chưa đúng về chánh niệm như:
- Đó là một trạng thái hạnh phúc vĩnh cửu.
- Chánh niệm là phải làm trống rỗng đầu óc, không có suy nghĩ.
- Chỉ có người theo đạo Phật mới thực hành.
- Phải dành nhiều giờ để thực hành thì mới hiệu quả.
- Đây là một phương pháp chữa bệnh.
- Bạn phải giỏi ngồi kiết già để thực hành.
- Tâm trí bận rộn không thể thực hành.
- Chánh niệm là thiền định.
Những quan niệm này khiến nhiều người e ngại và bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm chánh niệm.
SỰ THẬT VỀ CHÁNH NIỆM
Thực tế, chánh niệm là một kỹ năng có thể dễ dàng áp dụng vào bất kỳ hoạt động nào trong ngày. Từ việc đi bộ, ăn uống, đến lắng nghe người khác. Và điều thú vị là chỉ cần vài phút mỗi ngày là bạn đã có thể tạo ra thay đổi tích cực rồi!
Hãy phá bỏ một số quan niệm sai lầm về chánh niệm:
Chánh niệm không phải là xóa bỏ mọi suy nghĩ.
Thay vì tìm cách xua đuổi suy nghĩ, chánh niệm giúp bạn nhận ra suy nghĩ của mình, quan sát chúng mà không phán xét. Ví dụ, khi tập trung vào hơi thở, suy nghĩ có thể xuất hiện, nhưng bạn chỉ cần nhẹ nhàng đưa sự chú ý trở lại hơi thở.
Chánh niệm không giới hạn cho Phật giáo.
Mặc dù bắt nguồn từ Phật giáo, chánh niệm ngày nay được áp dụng rộng rãi, bất kể bạn thuộc tôn giáo nào. Đây là kỹ năng dành cho mọi người, giúp bạn sống thật với cảm xúc của mình.
Chánh niệm không yêu cầu nhiều thời gian.
Chỉ cần vài phút mỗi ngày, như khi bạn rửa chén, đi bộ, hay thư giãn vào buổi tối. Bạn đã có thể bắt đầu rèn luyện chánh niệm. Vấn đề là sự tỉnh thức trong từng khoảnh khắc. Chứ không phải chạy theo KPI do người khác đề ra và gây áp lực cho bản thân.
Chánh niệm là cách nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần.
Thực hành kỹ năng giúp chúng ta nhận diện và quản lý các suy nghĩ, cảm xúc. Từ đó cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm căng thẳng, lo âu và thậm chí là trầm cảm. Chánh niệm giúp chúng ta trở nên nhạy bén với tâm trí và cơ thể mình. Điều chỉnh cảm xúc thay vì bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực. Khi đó, sức khỏe tinh thần được cải thiện tự nhiên hơn mà không cần đến sự can thiệp y tế.
Chánh niệm giúp ta nhận biết và chấp nhận tất cả trong khoảnh khắc thực tại.
Khi thực hành chánh niệm, chúng ta không ép mình phải vui vẻ, mà chấp nhận sự hiện diện của mọi cảm xúc. Khi đó, thay vì phải chạy trốn hoặc bị cuốn theo những cảm xúc như buồn bã, lo âu. Ta có thể nhìn nhận chúng một cách bình tĩnh và tạo ra sự cân bằng trong tâm trí. Điều này giúp ta đạt được trạng thái bình yên và an lành từ bên trong. Không phải vì mọi thứ hoàn hảo. Mà vì chúng ta học cách chấp nhận mọi điều xảy ra xung quanh.
Chánh niệm không giới hạn trong tư thế.
Bạn có thể được thực hành khi bạn đi bộ, ăn uống. Hoặc thậm chí khi làm những việc nhỏ nhặt như rửa chén hay gấp quần áo. Chánh niệm là về việc duy trì sự tập trung và ý thức trong từng hành động. Bất cứ khi nào bạn hoàn toàn hiện diện, quan sát mọi thứ xung quanh một cách chậm rãi, chính là lúc bạn đang thực hành chánh niệm. Tư thế hay không gian không phải là yếu tố quyết định. Mà là tâm trí bạn đang ở đâu.
Chánh niệm là nhận biết và chuyển trọng tâm của mình ra khỏi dòng suy nghĩ đó.
Thay vì cố gắng xua đuổi hoặc dừng lại những suy nghĩ. Chánh niệm giúp chúng ta nhận ra chúng đang tồn tại. Rồi nhẹ nhàng đưa sự chú ý trở lại vào hiện tại. Có thể là vào hơi thở, hoặc một hoạt động cụ thể. Đây là cách giúp tâm trí bận rộn trở nên yên bình dần dần, chứ không cần phải ép buộc nó phải ngừng hoàn toàn.
Thiền định chỉ là một hình thức chánh niệm.
Trong khi thiền giúp chúng ta duy trì sự tập trung trong một khoảng thời gian nhất định. Chánh niệm là khả năng giữ sự hiện diện và chú ý trong mọi khoảnh khắc.
Ví dụ, khi ăn, chúng ta cảm nhận hương vị từng miếng, khi nghe, chúng ta lắng nghe mà không bị phân tâm. Chánh niệm có thể trở thành thói quen trong bất cứ tình huống nào, mà không nhất thiết phải ngồi yên hay nhắm mắt.
CHÁNH NIỆM MANG LẠI ĐIỀU GÌ?
Vậy, chánh niệm thực sự mang lại điều gì? Khi chúng ta thực hành chánh niệm, chúng ta bắt đầu thấy rõ hơn những cảm xúc thật sự của mình. Không phải để ép mình phải luôn vui vẻ, mà là chấp nhận tất cả những cảm xúc. Kể cả nỗi buồn và sự thất vọng. Chánh niệm cho chúng ta khoảng cách cần thiết để nhìn nhận cảm xúc mà không bị cuốn theo, từ đó tạo ra sự cân bằng tinh thần.
Ví dụ, nếu bạn đang lo lắng hay buồn bã, thay vì cố gắng phủ nhận cảm xúc, hãy quan sát và đón nhận chúng. Điều này giúp chúng ta thấu hiểu bản thân hơn, đồng thời giảm thiểu căng thẳng.”
TÍNH KHẢ THI KHI ỨNG DỤNG
Chánh niệm không chỉ là một kỹ thuật hay một phương pháp giúp chữa lành. Nó là cách để chúng ta sống trọn vẹn từng khoảnh khắc và kết nối lại với bản thân. Tất cả những gì bạn cần làm là dành một chút thời gian mỗi ngày, tập trung vào hiện tại và quan sát những gì đang diễn ra trong tâm trí và cơ thể.
Hãy thử dành ra vài phút ngay hôm nay để thực hành chánh niệm – có thể là khi bạn đang đi bộ, hay đơn giản chỉ là tập trung vào hơi thở.
LƯU Ý
Bạn có thể chia sẻ thông tin lên các trang cá nhân. Nhưng mọi hình thức đăng tải lại trên 25% nội dung bài viết. Không trích dẫn rõ ràng Link, Blog, tên tác giả là không được phép.
Link nghe podcast: https://www.youtube.com/watch?v=NOW8I4wcekc
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm bài viết khác cùng chủ đề: https://tranlyna.com/tam-su/
Hoặc các bài viết khác tại blog.
Hình ảnh của bài viết được sử dụng từ: http://canva.com