HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA THIỀN SƯ WONHYO

Hành trình tâm linh của thiền sư Wonhyo là một hành trình sống động. Giúp chúng ta nhận ra sức mạnh của tâm trí trong hiện tại.
HÀNH TRÌNH TÂM LINH

“Sự giác ngộ luôn hiện hữu trong tâm trí của mỗi người. Những giác ngộ nhỏ bé sẽ mang tới sự giác ngộ lớn lao. Nếu bạn hít thở và nhận ra mình vẫn đang sống, đó cũng là lúc bạn chạm tay vào điều kì diệu của việc được sống và yêu thương mỗi ngày. Đó cũng là một loại giác ngộ.”

– Thiền Sư Thích Nhất Hạnh 

CON ĐƯỜNG TỪ BÓNG TỐI ĐẾN ÁNH SÁNG

WONHYO Trong lịch sử Phật giáo Hàn Quốc, ít có ai để lại dấu ấn sâu sắc như Wonhyo (Nguyên Hiểu). Tên tiếng Hàn của ông có nghĩa là Bình Minh.

Ông sinh năm 617, mất năm 686. Ông không chỉ là một nhà triết học xuất chúng mà còn là một nhà cải cách tâm linh. Người đã trải qua hành trình tìm kiếm sự giác ngộ đầy thăng trầm.

Câu chuyện của ông không chỉ là hành trình tìm kiếm tri thức. Mà còn là sự chuyển hóa nội tâm sâu sắc. Một bài học quý giá cho những ai đang tìm kiếm sự phát triển tâm linh trong cuộc sống hiện đại.

KHỞI ĐẦU CỦA HÀNH TRÌNH TÂM LINH

Từ khi còn trẻ, Wonhyo đã dành trọn tâm huyết cho việc nghiên cứu Phật học. Luôn khao khát hiểu rõ bản chất của sự giác ngộ. Tuy nhiên, chính những thử thách thực tế trong cuộc sống đã mang cho ông bài học quan trọng nhất.

Năm 650, ông cùng người bạn thân Euisang (Nghĩa Sương) khởi hành đến Trung Quốc. Cả hai đều mong muốn học hỏi thêm về Phật pháp. Khi tới Goguryeo (Cao Câu Ly) cả hai bị hiểu lầm là gián điệp và bị giam cầm ở đây mất 1 tháng. Chuyến đi này không thành công. Nhưng ông vẫn giữ chí nguyện kiên cường. Hai người quay trở về cố hương chờ thời cơ.

Năm Canh Thân (660), 10 năm sau Wonhyo lại cùng Euisang (Nghĩa Sương) dấn thân lần nữa. Hai người rời Gyeongju (Khánh Châu) ra đi. Lần này trên  các nẻo đường Daegu, Chungju, Yeoju, Pyeongtaek, Hwaseong… Đến Dangjuye, lãnh thổ của Baekje (Bách Tế), qua đường biển để vào nhà Đường, Trung Hoa.

Wonhyo không thể ngờ được hành trình này đã đưa đến những trải nghiệm kỳ lạ. Góp phần thay đổi hoàn toàn nhận thức của ông.

TRẢI NGHIỆM TRONG BÓNG TỐI:

THỨC TỈNH BẤT NGỜ

Trên đường đi ông được chứng kiến biết bao cảnh trần gian ảo mộng. trải nghiệm sự biến đổi của vạn vật khắp nơi. Những người dân đang chịu cảnh chiến tranh tang tóc. Khi đến vùng phụ cận của Hwaseong (Hoa Thành) thuộc tỉnh Gyeonggi-do (Kinh Kỳ đạo) ngày nay. Trời tối đen lại gặp giông bão ập đến. Ông đã tìm được một hang đất để qua đêm.

Trong bóng tối tĩnh mịch, cơn khát thôi thúc. Wonhyo với tay tìm thấy một quả bầu đầy nước. Ông uống một cách say mê, cảm thấy nước mát lạnh và sảng khoái. Hôm sau, khi ánh mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên vào hang. Ông và bạn đồng hành kinh hoàng nhận họ đang ở trong một khu mộ cổ. Xung quanh ngập tràn xương sọ. Thứ ông đã uống là nước đục chứa trong một chiếc sọ người.

Trời cao lại tiếp tục trêu ngươi. Mưa liên tục không dứt, vừa đói vừa lạnh. Wonhyo và bạn đồng hành vẫn phải trú ngụ tại đây. Đêm thứ hai ông không thể ngon giấc được. Sự kiện này đã khiến ông trầm tư quán tưởng.

Wonhyo chợt kinh ngạc trước sức mạnh tâm trí của con người. Ông nhận ra rằng nhận thức có thể biến đổi thực tại. Nhận thức có thể thay đổi bản chất của trải nghiệm. Khi đói khát, ông tin rằng nước trong quả bầu tinh khiết. Nên dòng nước trở nên ngọt mát và dễ chịu. Khi nhận thức thay đổi, thứ nước ấy lại trở thành ô nhiễm và đáng sợ.

Khi suy ngẫm về trải nghiệm này, ông đã thay đổi suy nghĩ: Thế giới là sản phẩm của tâm trí.

TRỞ VỀ VỚI SỨ MỆNH MỚI

Wonhyo trở về Hàn Quốc với một sự hiểu biết hoàn toàn mới. Tất cả các hiện tượng cuối cùng đều không nằm ngoài tâm trí của chúng ta. Ông từ bỏ hành trình đến Trung Quốc. thay vào đó, truyền bá Phật pháp theo cách mà ông tin rằng sẽ mang lại giá trị thực sự cho mọi người. Một cách gần gũi, thực tế và dễ tiếp cận. Với ông, Phật pháp không chỉ tồn tại trong các ngôi chùa hay văn bản cổ xưa. Nó phải sống động và hiện diện trong cuộc sống hàng ngày.

Wonhyo lan tỏa triết lý về “Nhất Tâm”. Tức là tất cả mọi hiện tượng đều xuất phát từ một ý thức duy nhất. Nếu hiểu rõ bản chất của tâm trí. Con người có thể đạt được sự tự do khỏi những đau khổ và lo lắng thường ngày. Ông đã cống hiến cuộc đời mình để giảng dạy, viết lách và truyền bá tinh thần Phật giáo khắp Hàn Quốc. Làm cho triết lý này trở nên dễ hiểu và áp dụng trong cuộc sống đời thường.

CUỘC SỐNG ĐƠN GIẢN VÀ NHỮNG BÀI HỌC THỰC TIỄN

Điều khiến Wonhyo trở nên đặc biệt là cách ông thực hành triết lý Phật giáo. Thay vì sống tách biệt trong các tu viện, ông chọn cách sống như một người dân thường. Trút bỏ chiếc áo cà sa, Wonhyo đã sống như một cư sĩ bình thường. Ông khuyến khích mọi người tu tập. Không chỉ tìm kiếm sự giác ngộ trong thiền định. Mà trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày.

Trong khi nhiều vị sư Phật giáo chọn con đường tách biệt khỏi xã hội để tìm kiếm giác ngộ. Wonhyo lại đi ngược lại với xu hướng đó. Ông tin rằng sự giác ngộ không phải chỉ dành riêng cho những ai sống trong tu viện. Hay theo đuổi con đường khổ hạnh nghiêm ngặt. Ông tìm cách đưa triết lý và thực hành tâm linh vào chính cuộc sống thường nhật. Điều này đã khiến Wonhyo trở nên khác biệt. Đây cũng là một yếu tố quan trọng giúp ông tiếp cận được với nhiều người hơn.

Ông thường hay mang theo một cây đàn nhỏ trên đường. Sáng tác và hát những bài ca đơn giản. Như bài “Vô ngại ca”: “Nếu miệng niệm kinh Phật, tai nghe lời Phật dạy thì ai cũng có thể thành Phật”. Từ nông phu cho đến thợ gốm, ai ai cũng biết đến Phật. Họ thuộc lòng câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. tất cả đều là nhờ vào công của Ngài. vị cao tăng Silla (Tân La) mở đầu quá trình đại chúng hóa Phật giáo.

CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG:

PHÁ VỠ NHỮNG RÀO CẢN

Một trong những quyết định gây tranh cãi của Wonhyo là việc kết hôn và có con. Điều không thường thấy ở một người có địa vị tôn giáo cao như ông. Trong một lần được đức vua triệu kiến vào hoàng cung Yoseonkung. Ông nhận được sự ái mộ của công chúa Yoseok (Dao Thạch). Con gái yêu quý của vua Taejong Muyeolwang (Thái Tông Vũ Liệt Vương). Vị vua đời thứ 29 của Silla (Tân La).

Dù là một nhà sư, nhưng trước định nghiệp ngài từ bỏ chức tăng lữ. Sau khi kết hôn với công chúa Yoseok. Cả hai có một người con trai tên là Seolchong. Khi lớn người này trở thành văn nhân đại học giả nổi tiếng nhất về Khổng Giáo. Có công trong việc phát triển chữ Quốc Ngữ Hàn. Được liệt vào một trong thập hiền của quốc gia.

Wonhyo chọn sống như một người bình thường thay vì duy trì lối sống khép kín của giới tăng sĩ. Việc kết hôn với công chúa và sinh ra một người con đã làm dấy lên nhiều tranh luận. Nhưng với Wonhyo, đây là minh chứng cho việc giác ngộ không phải là điều gì đó xa vời. Không chỉ tồn tại trong các nghi lễ tôn giáo. Mà là tâm an bình ngay trong những trải nghiệm của cuộc sống đời thường.

Thông qua cách sống này, Wonhyo đã truyền tải thông điệp. Sự giác ngộ không nhất thiết phải gắn liền với một hình thức tu hành khắt khe. Hay việc từ bỏ mọi niềm vui của đời sống. Ông cho rằng công việc thường ngày, mối quan hệ xã hội. Thậm chí thử thách trong cuộc sống đều là cơ hội để thực hành tâm linh và phát triển bản thân.

SỐNG GẦN GŨI VỚI DÂN CHÚNG:

PHẬT GIÁO ĐẠI CHÚNG

Wonhyo đi khắp Hàn Quốc để giảng dạy. Không chỉ ở các ngôi chùa lớn mà còn ở những nơi xa xôi, dân dã. Ông giảng Phật pháp bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. Ai cũng có thể nắm bắt và áp dụng. Thay vì chỉ hướng đến những người đã có kiến thức Phật học. Ông đặc biệt quan tâm đến những người dân bình thường. Giúp họ hiểu rằng Phật pháp không chỉ là một hệ thống tư tưởng trừu tượng. Mà còn là cách sống thiết thực, mang lại niềm vui và sự an lạc ngay trong những hoạt động hàng ngày.

Wonhyo còn tham gia vào các hoạt động từ thiện. Ông khuyến khích các đệ tử của mình làm điều tương tự. Ông luôn tin rằng thực hành tâm linh phải đi đôi với hành động thực tế trong xã hội. Giúp đỡ người nghèo, người bệnh, và những ai gặp khó khăn. Cách tiếp cận đầy lòng từ bi này đã giúp ông xây dựng mối quan hệ gần gũi với cộng đồng. Lan tỏa tinh thần Phật giáo đến mọi tầng lớp xã hội.

MỘT CÁCH TIẾP CẬN KHÁC BIỆT

Lối sống của Wonhyo đã đặt ra những thách thức đối với những quan niệm truyền thống. Nhưng chính cách tiếp cận đại chúng, gần gũi đã làm cho triết lý Phật giáo dễ hiểu hơn. Mang lại ý nghĩa sâu sắc hơn cho những người đang sống trong hoàn cảnh khó khăn.

Wonhyo chứng minh rằng giác ngộ không chỉ dành cho những vị tăng sĩ hay người có kiến thức sâu rộng. Bất kỳ ai cũng có thể đạt được, miễn là họ sẵn sàng thực hành và nhận thức rõ ràng về bản chất của mọi sự việc.

Hành trình phát triển tâm linh của ông là một câu chuyện hay. Đáng cho chúng ta học hỏi. Có đôi khi chúng ta tìm kiếm một phương pháp, một kết quả. Chính điều đó đã cản trở chúng ta cảm nhận rõ mọi thứ xung quanh như nó là. Có đôi khi thứ chúng ta cần không phải là những kết quả ấn định sẵn. Điều chúng ta cần là nhận thức rõ bản thân trong hành trình của chính mình.

LƯU Ý

Bạn có thể chia sẻ thông tin lên các trang cá nhân. Nhưng mọi hình thức đăng tải lại trên 25% nội dung bài viết. Không trích dẫn rõ ràng Link, Blog, tên tác giả là không được phép.

Link nghe podcast: https://www.youtube.com/watch?v=uRw-xJ3WI1U&t=6s

Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm bài viết khác cùng chủ đề: https://tranlyna.com/tam-su/

Hoặc các bài viết khác tại blog.

Hình ảnh của bài viết được sử dụng từ: http://canva.com

Để lại một bình luận