Không có gì mới dưới ánh mặt trời.
Umberto Eco
KINH DỊCH – PHONG THUỶ LÀ CỦA VIỆT NAM?
Học viên của tôi dạo gần đây rất hay hỏi: Cô ơi, Kinh Dịch, Phong Thuỷ là của người Việt Nam đúng không?
Tôi thường hay hỏi lại, em biết bóng đá do nước nào tạo ra không. Tất nhiên câu trả lời đa phần là không. Nhưng cũng lĩnh vực đó, đa số mọi người đều biết năm đó thì đội tuyển nào vô địch World Cup.
Như vậy quyền sở hữu có quan trọng bằng quyền sử dụng? Nói thẳng ra chỉ khi xuất hiện tranh chấp thì quyền sở hữu mới phát huy tác dụng của nó.
Vậy thì tại sao mọi người hiện nay lại chỉ quan tâm tới Kinh Dịch, Phong Thuỷ là của ai. Mà không quan tâm tới việc làm như thế nào để giỏi và ứng dụng tốt?
SỰ THẬT LÀ GÌ?
Để bàn về vấn đề quyền sở hữu thì cần phải có giấy chứng nhận. Đối với vấn đề về học thuật thì vốn dĩ không có giấy chứng nhận, mà phải dựa vào bằng chứng lịch sử.
Có nhiều người lôi dẫn chứng về văn minh Bách Việt để nói rằng tinh hoa văn hoá là của dân tộc Việt. Việt Nam hiện nay thuộc tộc Bách Việt thì cái gì của tộc Bách Việt cũng là của Việt Nam?
Tộc Bách Việt cũng có sự phân hoá theo phía nam và phía bắc. Ngày nay đa phần các bộ tộc Bách Việt đã bị Trung Quốc đồng hoá và thôn tính từ lâu. Nếu như nói Kinh Dịch, Phong Thuỷ là tinh hoa của tộc Bách Việt thì giờ thành của Trung Quốc cũng có gì sai?
Nước ta dù là một phần của tộc Bách Việt tồn tại đến ngày nay. Nhưng cũng không thể nói cái gì cũng là của chúng ta được. Ngược lại, nếu nói theo ý chúng ta là hậu duệ tinh anh còn lại. Không bị đồng hoá qua dòng chảy của lịch sử. Nên mọi thứ là của chúng ta, cũng không hẳn là sai.
Tất cả chỉ là quan điểm. Nhưng cảm tình lịch sử không quan trọng bằng khoa học lịch sử. Cho tới khi có các bằng chứng khoa học, tất cả đều là giả thuyết. Hơn nữa, hiện tại cũng chưa có bằng chứng thuyết phục nói rằng mọi thứ đều xuất phát từ Bách Việt.
BẰNG CHỨNG KHẢO CỔ VỀ KINH DỊCH
Ai cũng biết dân tộc ta đã trải qua ngàn năm đô hộ và các cuộc chiến từ nhỏ tới lớn để có ngày hôm nay. Vậy nên việc tài nguyên, tư liệu quý giá bị đánh cắp, bị coi là chiến lợi phẩm trong các cuộc chiến là không hề hiếm.
Điển hình như Trung Quốc, khi xâm lược nước ta. Cho dù là bia đá không chữ cũng phải phá. Như vậy quan điểm cho rằng Phong Thuỷ, Kinh Dịch là của dân ta. Trung Quốc chiếm mất, cũng có vẻ hợp lý.
Nhưng cho tới ngày một di chỉ khảo cổ được phát hiện và đưa ra bằng chứng thuyết phục. Những suy nghĩ trên cũng chỉ là cảm tình lịch sử.
Có nhiều người viện dẫn vòng xoáy âm dương trên tranh Đông Hồ, các câu vè, đồng dao xưa cũ. Tôi công nhận. Nhưng những thứ đó tồn tại và hình thành bao lâu?
Trống Đồng của chúng ta tuy có từ lâu đời. Nhưng niên đại sớm nhất được tìm thấy cũng không thể lâu hơn các dữ liệu được khắc trên Giáp Cốt Văn. Hay các bản Kinh Dịch tìm thấy trong các ngôi mộ cổ tại Trung Quốc. Vậy những chứng cứ rời rạc mà các bạn nghe ngóng được liệu có thuyết phục?
Bạn có thể cho những điều bạn tin là đúng. Nhưng thế giới cũng có quyền cho rằng bạn bị ảnh hưởng bởi thuyết âm mưu và cảm tính.
QUAN ĐIỂM TRANH LUẬN
Có người cho rằng hình con mắt có nét vẽ liền bên ngoài là dương. Khoảng trống ở giữa là âm. Nét vẽ liền bên trong là dương. Đây là biểu tượng quẻ Ly, đối với tôi đó là quan điểm suy diễn. Quẻ Ly là đôi mắt, nhưng không thể thấy đôi mắt ở đâu cũng là quẻ Ly. Tương tự với các hình tượng khác. Những điều như vậy không thể xem là bằng chứng cụ thể.
Bạn ngắm đám mây có thể ra hình này, nhưng người khác thì không chắc. Đến triển lãm tranh bạn có thể có rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ với một bức tranh. Nhưng hình tượng bạn nghĩ đến chưa hẳn là cảm hứng của tác giả. Suy luận ngược trong trường hợp này là phi lý.
Nếu bạn đưa ra lập luận, Trung Quốc chỉ biết Tiên Thiên, Hậu Thiên, không biết Trung Thiên. Vậy là do bạn chưa bỏ ra nhiều tiền, hoặc bạn chưa học được thầy giỏi. Ngày xưa các cụ nhà ta như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tả Ao,… còn có thời gian học tập bên Tàu. Ngày nay con cháu đều tài năng hơn người, sóng sau xô sóng trước. Chỉ cần đọc sách là có thể biết hết tinh hoa kiến thức rồi?
Cuốn tập bạn ghi chép bây giờ, 800 năm sau con cháu cũng có thể coi là bảo bối gia truyền có giá trị liên thành. Những gì bạn đọc hôm nay dù là trong một cuốn sách cổ. Nhưng nếu không rõ nguồn gốc, không có hệ thống kiến thức nền tảng. Không có sự truyền dạy của người thầy thì bạn nên xem xét lại tính chính xác của nó.
Nhiều người làm phong thuỷ không tốt lên, sẽ do nhiều lý do. Nhưng không thể vì việc đó mà cho rằng kiến thức phong thuỷ đang được dạy toàn bộ là sai.
TỰ HÀO THẬT SAO?
Bản thân là một người Việt Nam, nếu cổ học tinh hoa xuất phát từ Việt Nam, đối với tôi đó là niềm tự hào. Kinh Thánh có câu phước cho ai không thấy mà tin. Niềm tin của tôi không cần phải rêu rao, không cần chứng minh. Nhưng đó là niềm tin của bản thân tôi mà người khác không tác động được.
Tuy nhiên, khi thi đấu, bạn không thể như một đứa trẻ gào khóc và đòi chiến thắng. Tìm lý do ăn vạ và nói rằng mọi thứ đều là của mình.
Nếu bạn muốn người khác có cùng niềm tin, hoặc là bạn phải chứng minh điều đó là đúng, hoặc là bạn phải thể hiện đủ giỏi. Người ta chỉ lắng nghe câu chuyện và sự nỗ lực của người thành công.
Tự hào bao nhiêu thì phải tự vấn bản thân bấy nhiêu. Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn,… đã ứng dụng Phong Thuỷ, Kinh Dịch, và giờ họ ở đâu trên bản đồ thế giới.
Thay vì ngồi nói những chuyện vĩ mô, kể những câu chuyện truyền miệng không rõ nguồn gốc. Bạn hãy nghĩ tại sao Việt Nam chưa giàu? Tại sao cổ học hay như thế mà không ai áp dụng? Làm sao để nhiều người không nghĩ tinh hoa cổ nhân không phải là mê tín dị đoan? Nghĩ rồi thì hãy tìm giải pháp, ít nhất là cho chính bạn và những người xung quanh bạn. Khoan hãy nói về thế giới nếu trong căn nhà của bạn mọi người còn chưa nghe lời bạn nói.
LƯU Ý
Bạn có thể chia sẻ thông tin lên các trang cá nhân. Nhưng tôi không đồng ý mọi hình thức đăng tải lại trên 25% nội dung bài viết. Không trích dẫn rõ ràng Link, Blog, tên tác giả.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm bài viết khác cùng chủ đề: https://tranlyna.com/hoi-dap-lyna/
Hoặc các bài viết review sách tại: https://tranlyna.com/review-sach/
Hình ảnh của bài viết được sử dụng từ: https://www.canva.com/