Hãy học từ sai lầm của người khác. Bạn sẽ không bao giờ sống đủ lâu để phạm phải tất cả sai lầm.
Tối qua đồng nghiệp hỏi về trường đại học và nghành học, chợt nhớ ra nhiều chuyện về thời gian học tập đã qua của tôi. Hôm nay trên đường đi về nhà với ba mẹ nên rảnh rỗi nên viết lại để sau này đọc.
SỰ Ỷ LẠI CỦA MỘT ĐỨA TRẺ
Thuở nhỏ tôi khá lười, bây giờ vẫn vậy nhưng khi ấy còn lười hơn. Đúng kiểu một đứa trẻ được cha mẹ bảo bọc. Không có gì phải lo sợ hay suy nghĩ.
Còn nhớ, mấy môn thủ công, mỹ nghệ lúc nào tôi cũng được điểm cao. Như là muối dưa cà, thêu hình con cá nhỏ trên vải. Nhưng tác giả đằng sau đều là mẹ.
Lúc làm giùm mẹ cũng dạy. Nhưng tôi toàn nhìn cho có. Và viện lý do kiểu, học thì sẽ được, nhưng giờ con có mẹ làm giùm rồi thì còn học tập làm gì. Chắc thế nên giờ trình độ nấu ăn của tôi mới tệ thế này.
SỰ CỐ ĐẦU TIÊN THỜI CẤP I
Kết quả, tôi bị cô giáo mắng suốt tiết học, bạn bè trong và ngoài lớp thì chê cười, mỉa mai. Lúc đó vì trẻ con tôi khá phẫn nộ. Rất nhiều học sinh đều chép văn mẫu, nhưng chỉ bị nhắc nhở chung. Riêng tôi thì được chửi riêng vì có sách khác trong khi tôi cũng sửa nhiều rồi mà. Ngày ấy tôi còn chửi thầm bạn và cô giáo. Nhiều năm đã trôi qua nhưng con xin lỗi cô, tôi xin lỗi bạn.
HÀNH TRÌNH HỌC VĂN
Thời đó không có học thêm môn văn, và nhà tôi cũng không có điều kiện. Đặc biệt là nếu có thì tôi cũng không được học vì văn là một môn tương đối vô ích trong mắt các vị phụ huynh. Vì vậy để sửa nỗi nhục của mình thì tôi phải tự tìm cách. Tôi bỏ hết truyện tranh, chuyển sang nghiêm túc đọc hết sách văn mẫu. Nhưng thật sự là không có phương pháp học tập và yêu thích nên tôi chỉ cảm thấy buồn ngủ và đau đầu. Vậy là tôi tiếp tục đi mượn sách học từ cấp 2 đến cấp 3 để đọc toàn bộ.
Đến một ngày, cảm thấy không ổn, tôi chọn cuốn mỏng nhất trong số những tiểu thuyết kinh điển mà dì gửi về: “Túp lều bác Tôm” để đọc. Với một đứa mê truyện tranh, thích đá bóng, thả diều và đánh trận. Đọc tiểu thuyết bất hủ phương Tây là một điều không hề dễ dàng, nhưng bỏ qua bản dịch ít mượt mà, văn phong tả thực thô ráp của những trang đầu. Khi cố gắng đọc, mỗi ngày một chút tôi đã khóc nức nở nhiều lần cho tới khi kết thúc cuốn sách.
Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra, ngoài việc cười cùng truyện tranh, tôi có thể khóc cùng tiểu thuyết. Chế độ phân biệt chủng tộc, hành trình đi tìm tự do, cố gắng để có một cuộc sống tốt đẹp đã khiến tôi nhìn lại bản thân. Tôi cảm thấy so với những trở ngại to lớn của thế giới bên ngoài, đọc sách không còn khó khăn nữa.
NỖ LỰC SẼ HÌNH THÀNH HỨNG THÚ VÀ ĐAM MÊ
Từ đó không gia đình, hoa tulip đen, ruồi trâu,… đến tam quốc chí, đông chu liệt quốc,… không sách nào tôi không thể đọc được. Và đã đọc thì phải đọc đến khi hết sách mới thôi.
Tôi đọc như một thói quen hằng ngày, ngấu nghiến như ăn một món ngon, và không thể bỏ dở giữa chừng. Sau đó tôi chuyển sang thơ, tôi nhịn ăn sáng để mua những tuyển tập thơ Tống, Đường nhỏ bằng lòng bàn tay, gồm cả bản dịch và phiên âm hán việt.
Hằng ngày tôi đều ngồi học thuộc, đến khi thuộc cả tuyển tập, tới tận cấp 3 vẫn còn nhớ. Sau này, môn văn của tôi khá lên lúc nào không biết. Những bài hịch tướng sĩ, bình ngô đại cáo,… đều không thể làm khó tôi trong việc học thuộc.
Điểm cao thì không có, nhưng không sợ điểm thấp. Lúc kiểm tra hay thi cử còn rảnh rỗi làm bài cho vài người ngồi xung quanh. Tôi nhận ra rằng nếu tôi có đủ quyết tâm tôi hoàn toàn có thể học tập tốt. Thậm chí biến môn tôi ghét bỏ thành yêu thích.
SỰ CỐ TIẾP THEO
Trong những cột mốc thời gian đi học đã qua, giai đoạn cấp 1 của tôi cũng nhiều sóng gió. Tôi cũng có sự cố mất mặt lần thứ hai.
Trường tôi có thầy dạy vẽ mới về, và chỉ cho bài tập về nhà. Tất nhiên là tôi nhờ mẹ vẽ giùm. Bạn bè lẫn thầy giáo đều khen ngợi cho rằng tôi rất tài năng. Ai cũng nói rằng tôi được hưởng gen vẽ đẹp của Ba.
Cứ như vậy đến một ngày, thầy ra bài tập trên lớp. Sống trong ánh hào quang đã lâu, nên tuy hoang mang đôi chút. Tôi chóng nghĩ mình đặt bút xuống cũng vẽ đẹp thôi. Thấy mẹ vẽ có gì khó khăn đâu. Với tâm lý ngây thơ của một đứa trẻ tôi vẫn tin vào phép màu. Và thực tế thì lại đem đến cho tôi khá nhiều bài học.
Khi nộp bài, thầy hỏi tôi vẽ gì, tôi trả lời là con trâu đang nằm nghỉ dưới gốc cây. Thầy nói nhìn tranh cứ nghĩ con chuột bị cụt chân. Tất nhiên là bây giờ tôi đã quên cảm giác nhục nhã lúc đó, cũng quên luôn sự cười cợt của bạn bè. Nhưng thực sự tâm lý của tôi lúc đó rất tệ.
HÀNH TRÌNH LUYỆN VẼ
Tôi không muốn ai cười chê nhưng bạn bè thì nói tôi không thể vẽ đẹp. Lý do là vì tôi không có cái hoa tay nào. khi nghe những điều này tôi thật sự sợ hãi. Tôi hỏi ba, có phải vẽ đẹp là do có hoa tay hay không. Ba nói, ba không có hoa tay nào hết, ba vẽ được là nhờ tập luyện. Tôi nghĩ mười hoa tay là đặc biệt thì không hoa tay cũng đặc biệt. Thế là tôi nhờ ba dạy. Ba cho rằng vẽ không phải môn học quan trọng. Hơn nữa ba cũng là tự luyện tập nên không có phương pháp hướng dẫn cho tôi. Một lần nữa tôi lại tự học tập.
Khi bắt đầu tập luyện, đôi tay run rẩy khi cầm bút của tôi thật sự bất trị. Mấy ngày đầu tôi chỉ tập vẽ đường thẳng và vòng tròn bằng tay. Mẹ hỏi tôi làm gì, sao gạch lung tung trên giấy. Tôi nói, con tập vẽ, mẹ để yên và từ đó không hỏi gì.
Sau khi vẽ khá thẳng và tròn, lúc học về tôi hái lá khoai lang tập đồ, tôi lôi tất cả truyện tranh ra đồ lại những nhân vật tôi thấy đẹp. Những cuốn truyện tôi từng yêu thích giờ thì nhem nhuốc và rách nát.
Cứ đồ mãi, tới một ngày tôi ngồi nguệch ngoạc cũng ra hình khá đẹp. Vậy là mình không đồ nữa, chuyển qua nhìn hình để vẽ theo, từ hoa hồng trên dĩa, em bé trên tranh,…
Một hôm khi tôi đang tập vẽ giờ ra chơi. Bạn tôi vẽ vài đường ra giấy đố tôi vẽ thành hình đẹp sẽ mua siro cho. Lúc đó tôi biến nó thành một bông hoa hồng. Vậy là vào một ngày đẹp trời cấp 2, cả lớp đồn rằng tôi vẽ đẹp, tôi được hưởng gen từ ba.
BÉN DUYÊN VỚI BỘ MÔN LỊCH SỬ
Cũng vào cấp 2, dì tôi lại gửi sách về. Có những quyển về danh tướng và lịch sử Việt Nam. Lúc đó tôi đã vô cùng ngạc nhiên rồi tự hỏi. Tại sao mình phải xem phim Trung Quốc trong khi lịch sử Việt hay và đáng tự hào như thế này.
Tôi kể cho bạn bè nhưng mọi người không biết và cũng không quan tâm. Thời đó tôi được hơn chín phết môn sử. Và tới tận bây giờ tôi vẫn giữ tình yêu với bộ môn này.
Tôi đã từng nghĩ, sau này phải có một phòng đọc sách. Đến bây giờ, dù cầm máy đọc sách, tôi vẫn thích cảm giác có một cuốn sách trên tay hơn.
Bạn bè quen biết đều hỏi, sao tôi biết nhiều vậy. Bây giờ mới nghiệm ra. Vì tôi có thói quen đọc tạp. Bất cứ sách gì, tôi cũng cầm và đọc. Sách hay sẽ đọc lại, sách dở sẽ bỏ qua. Mua sách gần như là một cơn nghiện. Sách đối với tôi là thầy, là bạn, là thế giới. Đọc sách là cách giúp tôi không ngừng học tập dù đã rời khỏi ghế nhà trường.
Thời sinh viên, tôi sẽ cầm sách ra công viên đọc lúc rảnh. Ngày nghỉ 8h sẽ đứng trước cửa nhà sách chờ mở cửa, ngồi đọc tới 10h không ăn, không uống bị đuổi mới về, sau đó sẽ để dành tiền mua những cuốn thích nhất.
TÍNH CÁCH CỐ CHẤP
Những câu nói vô tình nghe trên xe bus, những chủ đề tranh luận của người khác tôi sẽ tự tra cứu. Đứng trước vấn đề người khác tinh thông mà tôi không biết, tôi sẽ về nhà điên cuồng tìm hiểu. Đến khi biết được nhiều hơn người ta mới dừng. Nếu vấn đề đó là kinh nghiệm, sau khi tìm hiểu xong, tôi mới tìm tới hỏi.
Mọi người nói tôi thông minh, tôi nghĩ không phải, chỉ là tôi chăm chỉ trong từng giai đoạn. Tôi là người ít tham vọng, vì đa phần tham vọng của tôi đặt ở việc học tập. Thế nhưng tính cách của tôi cũng khá tuỳ hứng, vì thích thầy cô giáo mà học giỏi. Nhưng nếu không thích thì nhất quyết không học.
Có lần cô giáo dạy Sinh kiểm tra 15p, đúng hôm tôi không học bài. Thời đi học tôi không thích giở tài liệu. Nhưng cũng không muốn cô thất vọng khi mình nộp giấy trắng. Vậy là suốt 15 phút, tôi hì hục chép lại đề bài câu cuối xin cô chuộc điểm lần sau.
Hôm sau cô trả bài tôi được 0 điểm. Nhưng cô nói, bộ câu hỏi ôn thi tuần trước cô đưa, ai tự tin đã học thuộc toàn bộ. Nếu xung phong trả lời được câu hỏi bất kỳ, cô sẽ sửa điểm trong sổ. Tôi là người duy nhất dơ tay, và điểm 0 biến thành điểm 9.
Chính vì nghĩ tới ánh mắt thất vọng của cô khi nhìn bài kiểm tra của mình nên ngay khi về nhà, hơn mười câu hỏi tôi đã học hết toàn bộ. Cơ hội đó cũng đến từ sự trung thực và cố gắng của tôi.
TỎ RA VÔ HẠI ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO
Hồi đi học tôi cũng khá nổi, có lần ba đi về rồi hỏi, sao học sinh, giáo viên nhiều người biết con vậy. Tôi nói, vì con vừa đẹp, vừa ngoan, vừa hiền, vừa tốt. Từ đó ba mẹ không thèm hỏi chuyện trên trường của tôi nữa. Cuộc sống thú vị của tôi ở trường học không có bóng dáng quản lý của phụ huynh.
Năm lớp 11, học kỳ một đi họp về ba tôi khá giận giữ. Cấp ba là thời điểm cần học hành tử tế, tôi đã bị cấm đá banh và ra đồng chơi từ cấp 2. Toàn thời gian tôi chỉ ở nhà vẽ và đọc sách. Nên ba mẹ nghĩ tôi cũng rất chăm học bài. Vậy mà toán được hai chấm, trong khi chú là giáo viên dạy giỏi toán. Lý do tôi đưa ra là, không thích giáo viên, cho tôi đổi lớp.
Chú tôi nói, chú dạy lớp giỏi nhất trường và lớp dốt nhất trường. Tôi không thể vô lớp chọn, giờ chỉ có thể vô lớp có tỷ lệ đậu tốt nghiệp thấp nhất trường.
Tôi đồng ý ngay, sau đó đi mua sách giải, lôi tất cả bài tập ra chép, xem. Tất cả các lớp học thêm của chú bao nhiêu ca trong tuần tôi đều học. Kết thúc học kỳ hai hình như cũng hơn tám phết gì đó.
Mọi người bảo chú nâng điểm cho tôi, nhưng tôi không quan tâm lắm. Nếu mọi người thích cứ kiếm người nâng điểm cho là được.
CUỐI CẤP VUI VẺ
Sang năm học mới tôi xin làm sao đỏ. Chuông vừa kêu là tôi đứng trước cửa đếm từng chiếc lá rơi, từng người vô trễ, không đeo bảng tên,… để trừ điểm. Vì giáo viên các lớp phản ánh quá nhiều nên cô chủ nhiệm bắt tôi về lớp làm bí thư. Công việc của tôi khá nhàn, hằng ngày ngoài dẫn lớp đi ăn chơi, quậy phá, thì tôi sẽ giảng bài 15 phút đầu giờ cho các bạn.
Từ lớp được dự kiến có tỷ lệ đậu tốt nghiệp thấp nhất toàn trường, thì năm đó lớp tôi lại chỉ có một người rớt tốt nghiệp. Còn tôi cũng không nghe ai nói là mình được nâng điểm nữa.
Năm lớp 12 là thời gian chuẩn bị học đại học. Ba mẹ không cho tôi đọc sách, vẽ vời nữa. Qua kiểm tra thì thấy Lý, Hoá của tôi siêu yếu, đều dưới năm phết. Lý do đơn giản là tôi không thích giáo viên hồi lớp 10 nên không học. Sau này giáo viên chuyển trường, nhưng tôi không học thêm với mất gốc nên học tệ.
Ba mẹ phát hiện cũng nhờ tính trung thực trong thi cử của tôi. Khi làm bài tôi không lén mở tài liệu, không nhớ thì nộp giấy trắng. Nên điểm số của tôi mới khiến cả hai lo lắng. Ba mẹ nói chơi đủ rồi, giờ phải học. Kết quả tất cả các ngày 3h30 sáng tôi sẽ thức dậy, xuống nhà thầy dạy Lý học thêm. Tất cả các buổi chiều sẽ tới nhà thầy dạy Hoá học thêm. Tất cả các buổi tối lên nhà chú học Toán. Cứ như một con thoi giữa nhà, lớp học thêm, trường.
HÀNH TRÌNH VÀO ĐẠI HỌC
Ngày thi đại học xong, tôi nghĩ điểm mình rất cao. Nhưng khi tra điểm thi, đầu óc quay cuồng, về nhà chỉ có khóc. Khi thi tôi đã làm bài rất chủ quan, không kiểm tra lại.
Lúc đó chỉ có ba lựa chọn, ôn tập thi lại, học cao đẳng công lập hoặc học đại học dân lập. Thời điểm đó học dân lập được xem là một nỗi nhục. Mọi người có khuynh hướng lựa chọn cao đẳng công lập. Còn tôi đã lựa chọn đại học dân lập. Nghĩ lại chưa bao giờ tôi thấy hối hận vì quyết định này.
Sau này bạn tôi nói, không học có sao đâu. Trên thế giới đầy tỷ phú không học đại học. Đại học không ứng dụng được.
Khi đó tôi, một người chỉ xuất hiện tại trường đại học khi đi thi trả lời rằng. Việc học đại học nếu như đơn giản, vậy tại sao không lấy được bằng đại học. Chương trình học giúp bạn phát triển tư duy, nỗ lực, và nhiều kỹ năng khác.
Chút khó khăn be bé của trường đại học mà không vượt qua được. Sau này đứng trước khó khăn trong cuộc sống sẽ có thái độ như thế nào. Kinh nghiệm không có, bằng cấp cơ bản không có, thêm tư duy trên mây thì ai tuyển dụng. Nếu khởi nghiệp thì đã có gì trong tay rồi.
Học tập đơn giản như vậy thì học cũng được, mua cũng được, có một tấm bằng trong tay rồi nói chuyện tiếp với tôi, nếu chưa có bản lĩnh này thì bàn chủ đề khác.
Người bạn đó sau này hình như cũng học một bằng trung cấp và cao đẳng.
ĐIỀU BẠN MUỐN VÀ ĐIỀU BẠN THÍCH
Việc học tập tôi có thể không thích, nhưng tôi có thể làm tốt nếu muốn. Sống mà mong rằng sẽ chỉ làm những việc mình thích thì thực tại sẽ đập vào mặt bạn. Nếu không có khả năng thay đổi luật lệ thì cứ làm tốt những chuyện mình phải làm là được. Sau này bạn sẽ tìm thấy niềm vui trong đó. Hoặc ít ra, sẽ có điều kiện để làm thêm những việc mình thích.
Trẻ con hay nói rằng con thích, con muốn. Còn thế giới của người trưởng thành là tôi nên, tôi phải. Tất nhiên cứ gắn mình với trách nhiệm và áp lực sẽ khiến bạn mệt mỏi. Nhưng đó là điều cần phải trả qua. Như vậy bạn mới cảm nhận được sự thoải mái và hạnh phúc.
Khi thời gian trôi qua tôi vẫn luôn muốn cảm ơn mỗi người, mỗi việc xảy ra trong đời. Những điều đó mới giúp có tôi của hôm nay. Viết lan man rồi, giờ ngồi đọc sách thôi.
LƯU Ý
Bạn có thể chia sẻ thông tin lên các trang cá nhân. Nhưng mọi hình thức đăng tải lại trên 25% nội dung bài viết. Không trích dẫn rõ ràng Link, Blog, tên tác giả là không được phép.
Đăng lại bài viết từ Face Book cá nhân ngày 19/09/2020.
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm bài viết khác cùng chủ đề: https://tranlyna.com/hoi-dap-lyna/
Hình ảnh của bài viết được sử dụng từ: https://www.canva.com/